Sống chung trong kinh doanh

761

thuong-luong-can-tho5

Một khi giải tỏa hết những băn khoăn ban đầu, xác định và thống nhất được với nhau mục tiêu, trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên cũng như hình thức phân chia lợi nhuận… và đã cùng nhau đăng ký “kết hôn”, vấn đề còn lại là bí quyết sống chung

Công ty của Quốc có tiếng là đã xây dựng được một nét văn hóa doanh nghiệp độc đáo. Những người điều hành chủ chốt của công ty thân thiết với nhau chẳng khác gì anh em một nhà.

Hơn thế nữa, vì đã góp vốn lập nghiệp với nhau từ thuở hàn vi nên sự thân thiết giữa họ còn truyền sang cả gia đình vợ chồng, con cái. Cứ đến mùa hè, những đứa trẻ của họ đi tập bơi cùng nhau. Thỉnh thoảng, vào ngày cuối tuần, những người vợ lại cùng nhau đi mua sắm.

Quan hệ giữa những ông chủ ở đây, trong đó có Quốc, là câu chuyện mà nhiều doanh nhân khác ngưỡng mộ. Thế nhưng chính sự thân mật như trong một gia đình như thế lại là một phần nguyên nhân sự ra đi của Quốc, vì một chuyện riêng tư của anh không được những thành viên khác trong ban lãnh đạo đồng tình. Cuối cùng, Quốc quyết định bán lại toàn bộ cổ phần của mình cho những người trong nhóm để ra khỏi công ty.

Mình vì mọi người…

Câu chuyện của Quốc chỉ là một trong vô số những tình huống có thể xảy ra trong đời sống chung của các đối tác.

Đôi khi có những việc vượt quá sức dự phóng của người trong cuộc, buộc các đối tác đứng trước những quyết định chọn lựa rất khó khăn. Có người nói rằng nếu ở công ty khác, có thể Quốc không cần phải ra đi như thế, trừ phi chuyện đời sống riêng của anh gây ra “xì căng đan” làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Người khác thì bình luận những người cùng góp vốn của công ty đã để cho tình cảm riêng ảnh hưởng đến sự nghiệp chung.

Nhưng nói vậy cũng chưa chắc đã đúng, có thể đây là cái giá mà Quốc và những người ở đây phải chấp nhận một khi tất cả cùng xác lập văn hóa công ty dựa trên một nền tảng văn hóa, truyền thống gia đình.

Đã “sống chung” thì khó mà tránh khỏi có những lúc bất đồng. Ông bà xưa có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nhưng cách chụm ba cây vào với nhau như thế nào để nên hòn núi cao là cả một nghệ thuật.

Đó không chỉ đơn thuần là cách sắp xếp trong một tổ chức doanh nghiệp, những tính toán hợp lý về phân chia quyền lợi, mà còn có cả cách tạo ra sợi “lạt mềm buộc chặt” để làm sao cãi nhau thì có, nhưng chia tay thì không.

Nhiều khi làm ăn chung, gắn bó cùng nhau suốt cả chục năm trời nhưng không phải ai cũng có thể tự tin vỗ ngực khoe rằng mình hiểu rõ hoàn toàn về đối tác. Có những khi một đối tác chợt nhận ra người bạn đồng hành trong kinh doanh lại chẳng suy nghĩ, lo lắng đến công ty nhiều như mình. Suy nghĩ miên man rồi lại quy cho người bạn đồng hành cái tội “đồng bước mà chẳng đồng lòng”. Vậy là mang nặng trong lòng cảm giác hờn giận xen lẫn thất vọng kéo dài âm ỉ. Và đây chính là mầm mống của sự chia rẽ.

Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng mỗi người có thể không chung sở thích, thậm chí là không cùng chung một “văn hóa” với ta, và trong từng thời điểm, mức độ “yêu” công ty của mỗi người có khác nhau, thì ta không thể đánh giá người khác qua chính những tiêu chuẩn của mình.

Như vậy, cho đến khi nào đối tác vẫn giữ được mục đích đưa doanh nghiệp phát triển thêm nữa và đừng quá xem trọng cái tôi của mình mà bỏ qua quyền lợi công ty thì công việc làm ăn chung vẫn còn có thể tồn tại và phát triển.

…để mọi người vì mình

Tổng giám đốc một công ty nước ngoài ở Việt Nam nhận xét rằng chuyện đổ vỡ trong hùn hạp làm ăn giữa những người Việt Nam một phần vì những người trong cuộc nghĩ đến các mối quan hệ, tình cảm bản thân nhiều hơn.

Chẳng hạn, ông nói, khi gặp điều gì không vui do đối tác gây ra, chúng ta thường đặt ra cả hàng tá câu hỏi “tại sao” đầy phiền trách. Chẳng hạn như: “Tại sao anh lại làm điều đó với tôi? Tôi đối với anh rất tốt, tại sao anh lại hành xử như thế? Tại sao anh không báo cho tôi biết?…”. Và mỗi khi chuyện làm ăn gặp sự cố, thay vì điều đầu tiên phải làm là nghĩ cách giải quyết, người ta lại cố tìm xem lỗi đó do ai, và quay ra trách cứ nhau. Những chuyện như thế cứ chồng chất theo thời gian để rồi hố ngăn cách giữa các đối tác ngày một sâu hơn.

Theo nhà quản lý này, nếu thay đổi cách nghĩ khi chuyện làm ăn gặp sự cố hoặc khi gặp chuyện không vui do đối tác gây ra thì rất có cơ may cải thiện được tình hình. Chẳng hạn, thay vì chỉ mãi lo than trách đối tác, hãy thử nhớ lại họ đã giúp mình những gì, đã cùng chia sẻ những khó khăn với nhau ra sao.

Cuối cùng, hãy vui vẻ bỏ qua mọi sự hờn giận, góp một tay để cùng giải quyết những khó khăn đang xảy ra. Thứ đến là phải biết sống chung với những tính khí bất thường của đối tác và đừng bao giờ ấp ủ tham vọng sẽ làm thay đổi tính cách của họ. Chính cách hành xử đó sẽ thúc đẩy đối tác thay đổi thái độ.

Còn nếu bạn, người đang đọc bài này, không may phải bỏ công ty mà đi vì bị đối tác cho ra rìa thì cũng đừng vội nản chí. Bạn hãy tìm đọc câu chuyện về Steve Jobs, người đồng lập hãng Apple với dòng máy Macintosh nổi tiếng, đã bị sa thải vào lúc công ty đang trên bước đường thành công rực rỡ.

Chuyện cũng bắt đầu từ việc Steve và người cùng quản lý công ty bất đồng quan điểm sau một thời gian ăn ý. Hội đồng Quản trị không ủng hộ Steve, thế là ông phải ra đi. Dù bị chối bỏ nhưng với niềm đam mê, ở tuổi 30 Steve Jobs đã quyết tâm làm lại từ đầu. Và với những thành công vang dội cũng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông lại quay về lãnh đạo Apple.

Những lời sau đây của Steve Jobs đáng cho chúng ta suy gẫm. Ông nói: “Đôi lúc đời quăng quật bạn, nhưng đừng nản chí. Bạn phải tìm ra công việc mình thích. Công việc của bạn sẽ chiếm hần lớn cuộc đời bạn nên cách duy nhất là phải thật sự thích và tin việc mình làm là có ích. Nếu lúc này chưa tìm ra thì hãy tìm tiếp. Đừng buông xuôi”.

Thục Đoan