NỘI DUNG
Trong Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ) của Phan Dũng trình bày 5 mức độ hiểu, trong bài này chúng ta tiếp cận với các giai đoạn hiểu theo Jardin.
Ba giai đoạn hiểu
Nguyên tắc Jardin phát biểu rằng, khi cố gắng tìm hiểu một vấn đề hoặc hệ thống, sự hiểu biết của bạn sẽ trãi qua 3 giai đoạn: rất đơn giản, phức tạp, đơn giản.
Như vậy, sự phức tạp là một bước tự nhiên hướng đến một sự hiểu biết uyên thâm hơn.
Chúng ta hãy lần lượt xem qua các ví dụ sau
Ví dụ 1: Trẻ con tập cầm muỗng để xúc thức ăn. Đầu tiên, tay chúng cầm muỗng nhưng xúc không được thức ăn, sau đó ba mẹ sẽ khuyến khích và hướng dẫn bé cách cầm muỗng thế nào, trẻ luyện tập mỗi ngày và khám phá cách cầm muỗng dễ dàng và cuối cùng trẻ xúc được thức ăn mà không cần phải chú ý bất kỳ điều gì (trẻ đã trãi qua giai đoạn từ chưa tự ăn, qua tập luyện, rồi biết tự ăn)
Ví dụ 2: Bạn còn nhớ lần đầu tiên chúng ta tập chạy xe máy. Có bao nhiêu thứ chúng ta cần phải chú ý như thắng, tay ga, chân thắng, kính chiếu hậu, người đi đường, bảng hiệu giao thông. Bỏ qua sự ngỡ ngàng lúc mới tập, sau khi đã chạy được và nắm vững các nguyên tắc, giờ đây bạn đã sử dụng chúng hàng ngày mà không cần phải quá chú tâm, chỉ cần lên xe và lái, mặc dù bạn đang xử lý những thao tác mà lúc mới bắt đầu bạn cho rằng rất phức tạp.
Hình vẽ sau cũng minh họa cho nguyên tắc này
Ở giai đoạn 1, sự hiểu biết về một vấn đề nào đó của bạn rất đơn giản (đọc thêm bài các mức độ hiểu) nghĩa là bạn hiểu vấn đề đó một cách đại khái, nôm na. Tuy nhiên, do nhu cầu cần phải hiểu nhiều hơn nên bạn đã tìm thêm thông tin từ các nguồn khác nhau. Bạn bắt đầu chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: là giai đoạn phức tạp, nghĩa là khi tiếp tục tìm hiểu sâu hơn bạn thấy mọi thứ đều mù mờ và không rõ ràng, tất cả có thể làm bạn rối tung. Giai đoạn này có thể bạn cũng cần phải thực hành để có những trãi nghiệm thực sự, đôi khi sự thất bại sẽ gặp trong quá trình trãi nghiệm nhưng đó là bài học giúp bạn hiểu sâu sắc thêm vấn đề.
Ngoài ra, để vượt qua giai đoạn này có khi bạn cần thêm công cụ, người hướng dẫn hoặc các nguồn thông tin mới. Sự lộn xộn khi chưa định hình mọi thứ có thể làm bạn nản chí và bỏ cuộc.
Để vượt qua đôi khi bạn không cần phải tập trung quá nhiều vào vấn đề cần giải quyết mà đôi lúc cần xao lãng có chủ ý để tìm thêm thông tin, khi quay trở lại một vài ý tưởng mới có thể lóe lên, sự hiểu biết mới từ những quan sát xung quanh có thể làm bạn hiểu rõ thêm vấn đề.
Giai đoạn 3: sau khi đã vượt qua sự lộn xộn các của nguồn thông tin, bạn đã sắp xếp chúng theo trình tự cũng như kinh nghiệm từng trãi, giờ đây vấn đề mà bạn gặp phải đã đơn giản hơn rất nhiều, bạn đã có một hiểu biết uyên thâm về nó nên khi cần thực hiện hay khi diễn tả về vấn đề đó giống như một dòng suối tuôn chảy không ngừng, bạn có thể lý giải, suy luận thậm chí có thể đưa thêm những thất bại, những trãi nghiệm mà bạn đã từng qua. Và sự đơn giản đã trở lại với bạn nhưng với một mức độ hiểu uyên thâm hơn.
Sáng tạo và nguyên tắc Jardin
Nếu hiểu sáng tạo theo nghĩa vấn đề bạn suy nghĩ, công việc bạn làm phải có tính mới và tính ích lợi thì dù bạn áp dụng ở bất cứ lĩnh vực nào ngay cả trong đời sống hàng ngày, nguyên tắc Jardin giúp bạn nhìn nhận con đường đi đến sáng tạo rõ ràng hơn,
Bạn hiểu rằng con đường sáng tạo phải trãi qua những sự phức tạp tạp này, giúp bạn can đảm chấp nhận, nổ lực, kiên trì để vượt qua, giống như một ngọn núi (xem hình minh họa ở trên) bạn phải leo từ từ, mỗi một độ cao đạt được là một sự tiến bộ.
Bạn cũng đừng quá lo lắng khi trong quá trình sáng tạo mọi thứ đều trở nên hỗn độn, tất cả mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp bởi vì đó là kết quả của sự phức tạp. Khi xảy ra điều này bạn cần phải biết xao lãng đúng lúc cũng như cần phải nghỉ ngơi khi lên núi, khi cảm thấy bạn không còn đủ không khí để thở, sự phục hồi làm bạn khỏe khoắn và tràn đầy năng lực để bắt đầu tiếp tục hành trình chinh phục của mình.
Sáng tạo là điều có thể học và bạn có thể làm được.
Thái Phương