Câu chuyện chiến lược – chuông treo cổ mèo

1377

 

Trong câu chuyện của trẻ em về treo chuông cổ mèo, các chú chuột quyết định rằng cuộc sống của chúng sẽ an toàn hơn nếu mèo bị buộc vào cổ một chiếc chuông. Vấn đề là ở chỗ ai có thể liều mạng sống của mình làm cái việc treo chuông cổ mèo đó?

Thực ra đây là vấn đề đối với cả chuột lẫn người. Làm thế nào mà các đội quân tương đối nhỏ của các quốc gia đi xâm chiếm hay các bạo chú có thể kiểm soát những dân tộc rất đông người trong một thời gian dài? Vì sao cả một chiếc máy bay chứa đầy hành khách lại trở nên bất lực trước chỉ một tên không tặc có súng?

Trong cả hai trường hợp, nếu tất cả cùng đồng lòng tiến lên thì khả năng thành công sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, sự trao đổi và phối hợp cần thiết cho một hành động như vậy là khó khăn và những kẻ đàn áp biết rõ sức mạnh của đám đông đã cố tính làm cho điều này trở nên càng khó khăn hơn.

Khi người ta cần phải hành động đơn độc và hy vọng sẽ dần tạo đà cho cả một phong trào, câu hỏi này sinh là “Ai sẽ là người hành động đầu tiên?” Người đi đầu này sẽ phải trả một giá rất đắtcó thể bằng chính mạng sống của mình. Phần thưởng của người đó có thể chỉ là niềm vinh quang sau khi chết hoặc lòng biết ơn. Có những người hành động theo suy nghĩ của họ về nghĩa vụ và danh dự, nhưng hầu hết đều cho rằng cái giá phải trả vượt quá những gì họ nhận.

Khrusov là người đầu tiên lên tiếng tố cáo những vụ thanh trừng của Stalin tại Đại hội Đảng Cộng Sản Liên Xô lần thứ 20. Sau bản tuyên bố hùng hồn của ông ta, ai đó trong hội trường đã hét lên và hỏi rằng vậy thì Khrusov đã làm gì khi đó. Khrusov đáp lại bằng cách đề nghị người vừa hỏi đứng lên và xưng danh tính. Cả hội trường im lặng. Và Khrusov trả lời: “Đó chính là điều tôi đã làm”.

Về bản chất, chúng ta đã từng thấy các ví dụ như thế này trước đây. Chúng cũng chính là nghịch cảnh người tù nhưng với hơn hai người trong đó; nếu muốn, ai đó có thể gọi đây là nghịch cảnh con tin. Ở đây, chúng tôi muốn dùng thế khó xử này để đưa ra một quan điểm khác – cụ thể là khi sự trừng phạt diễn ra thường xuyên hơn nhiều so với sự khen thưởng.

Nhà độc tài có thể làm yên dân bằng cách cung cấp những tiện nghi vật chất và thậm chí cả tinh thần nhưng đó sẽ là một cách làm rất tốn kém. Đàn áp khủng bố dựa trên nguyên tắc về nghịch cảnh con tin có thể là một cách làm khác ít tốn kém hơn nhiều.

Có rất nhiều ví dụ cho nguyên tắc này. Trong một đội xe taxi lớn, thường là người điều vận có nhiệm vụ giao xe cho lái xe. Trong đội có một số xe tốt và một số khác rất xọc xạch. Người điều vận có thể lợi dụng quyền được phân xe để nhận những khỏan đút lót nhỏ từ mỗi lái xe. Bất kỳ lái xe nào không đút lót chắc chắn sẽ nhận phải xe xấu, trong khi những người đồng ý hợp tác sẽ có cơ hội gặp may bằng cách bốc thăm trong số các xe tốt.

Người điều vận trở nên giàu có, còn cả nhóm lái xe cùng nhau thì vẫn phải nhận đúng ngần ấy số xe tốt và xấu như khi không ai đút lót cả. Nếu các lái xe hành động cùng với nhau, có lẽ họ có thể chấm dứt được tình trạng này. Vấn đề nằm ở chỗ tổ chức được sử đồng thuận. Cái đáng nói là người điều vận thưởng cho những người đút lót mình không nhiều, nhưng lại có thể trừng phạt nặng những người không làm như vậy[1].

Một câu chuyện tương tự kể về việc những người thuê nhà bị đuổi khỏi các căn hộ cho thuê. Nếu ai đó mua tòa nhà này ở New York, anh ta có quyền đuổi một người thuê nhà đi để có thể đến sống ngay trong tòa nhà của mình. Tuy nhiên điều này đưa đến quyền được đuổi tất cả mọi người trong ngôi nhà.

Người chủ nhà mới có thể sẽ lý luận như sau với người thuê căn hộ 1A: “Tôi có quyền được sống trong ngôi nhà của mình. Do vậy, tôi sẽ đuổi ông và chuyển đến sống trong căn hộ của ông. Tuy nhiên, nếu ông hợp tác và tự nguyện rời đi, tôi có thể cho ông một khoản tiền là 5.000 đôla”.

Đó chỉ là một số tiền rất nhỏ so với giá trị của căn hộ (mặc dù số tiền đó vẫn còn mua được khối thứ khác ở New York). Phải đối mặt với lựa chọn ra đi với 5.000 đôla hoặc bị đuổi mà không có đồng nào, dĩ nhiên là người thuê nhà sẽ nhận tiền để ra đi. Người chủ nhà sau đó sẽ tiếp tục y như vậy với người thuê nhà 1B và cứ như thế với tất cả những người còn lại.

Hiệp hội công nhân ngành xe hơi cũng có lợi thế tương tự khi họ lần lượt đàm phán với các nhà sản xuất xe hơi. Một cuộc đình công chống lại một mình Ford sẽ khiến hãng này đặc biệt bất lợi khi GMChrysler vẫn tiếp tục hoạt động. Do vậy, Ford có nhiều khả năng sẽ giải quyết mọi chuyện theo những điều kiện có lợi hơn cho nghiệp đoàn.

Một cuộc đình công như vậy cũng ít tốn kém hơn cho nghiệp đoàn vì chỉ có một phần ba số công nhân phải nghỉ việc. Sau khi đã thắng Ford, nghiệp đoàn sẽ làm việc với GM và tiếp đó là Chrysler, sử dụng mỗi thành công trước đó như một tiền lệ và nhiên liệu cho cuộc chiến của họ. Ngược lại, những khuyến khích của nghiệp đoàn Nhật Bản có hiệu quả theo một cách khác, bởi vì nghiệp đoàn được chính công ty lập ra và được chia nhiều lợi nhuận hơn.

Nếu nghiệp đoàn Toyota đình công, thu nhập của các thành viên nghiệp đoàn sẽ bị ảnh hưởng theo lợi nhuận của Toyota và họ chẳng được lợi gì từ các tác động của tiền lệ cả.

Chúng tôi không cho rằng bất kỳ hay tất cả những điều kể trên là những kết cục tốt hay những chính sách mong muốn. Trong một vài trường hợp, có thể có những lập luận thuyết phục cho nỗ lực ngăn chặn một kiểu kết cục mà chúng tôi đã mô tả. Nhưng để làm được điều đó một cách hiệu quả, người ta trước hết phải hiểu được cơ chế trong đó vấn đề nảy sinh – cụ thể là cái được gọi là “tác động đàn phong cầm”, khi mỗi nếp gấp của đàn sẽ kéo hoặc đẩy nếp tiếp theo.

Hiện tượng này nảy sinh hết lần này đến lần khác; nhưng nó có thể bị chặn lại và chúng tôi sẽ chỉ cho bạn thấy cần phải làm như thế nào trong Chương 9.

 

[1] Ngay cả khi tất cả đều trả tiền thì một vài lái xe vẫn phải nhận những chiếc xe xấu. Nhưng nếu những chiếc xe này được phân theo cách ngẫu nhiên mỗi lái xe sẽ có xác suất nhận phải xe xấu không nhiều. Ngược lại, người lái xe đầu tiên từ chối trả tiền có thể biết rằng anh ta sẽ phải lái xe xấu rất thường xuyên.

Trang chủ

Bài viết quản trị