Nền tảng của sáng tạo là hỏi mọi thứ?

948

Hỏi có sáng tạo không?

hỏi, questions sáng tạo

Hãy tưởng tượng, bạn và con bạn đang ngồi xem thế giới động vật, khi nhìn thấy sư tử đang bắt con sơn vương, con bạn sẽ hỏi,

Con: Tại sao sư tử bắt sơn vương,

Bạn: Vì nó đang đói bụng,

Con: tại sao nó đói bụng

Bạn: vì từ sáng giờ nó chưa ăn gì hết, nó phải ăn cái gì đó để mà sống chứ

Con: tại sao con sơn vương chạy

Bạn: không chạy thì bị sư tử ăn thịt

Con: tại sao sư tử ăn thịt sơn vương mà không ăn thịt con khác

Bạn: con sư tử ăn hết các con thú trong rừng mà nó gặp

Con:  tại sao….

Có những câu trả lời bạn có thể trả lời qua loa cho xong, nhưng con bạn thì luôn hỏi tiếp những sự kiện mà nó gặp khi xem.

Sớm muộn gì một trong ba điều sẽ xảy ra

  1. Bạn sẽ tiếp tục xem với con và trả lời tất cả những câu hỏi của con
  2. Bạn bảo con hãy xem đi và đừng hỏi nhiều nữa
  3. Bạn nổi nóng và nói, tắt, không xem gì nữa hết,

Nếu bạn chuyển sang kênh khác, những câu hỏi tại sao sẽ tiếp diễn.

Tìm hiểu mọi thứ tại sao lại xảy ra như thế hoặc cái này, cái kia hoạt động thế nào, câu hỏi tại sao luôn ở trong đầu mọi người hàng ngày, nó chính là nền tảng, là viên gạch đầu tiên của sáng tạo.

Vì sao phải hỏi

Con người với bản chất là tò mò, muốn biết mọi thứ ở xung quanh, từ những điều hiển nhiên xảy ra đến các hiện tường kỳ lạ, bạn vẫn cứ phải hỏi để biết một cách thấu đáo, sau khi đã hiểu rõ, nó giúp bạn cảm nhận thế giới để từ đó mở rộng kiến thức. (Và có khi phải trả giá để hiểu hoặc có được kiến thức đó).

Hạn chế việc hỏi, nghĩa là hạn chế tư duy và hành động sáng tạo về sau.

Nhưng đôi khi tính tò mò lại bị kiềm nén trong quá trình lớn lên, nhất là con trẻ.

Tại sao sáng tạo bị kiềm nén

Vì môi trường xung quanh ta sống, con trẻ không được hỏi khi ba mẹ và cô giáo chưa sẵn sàng, khi con muốn làm một điều gì đó trong hoạt động chơi đùa, khám phá, hành động… thì bị người lớn hạn chế bằng cách đưa ra đủ hình thức ngăn cản thậm chí hù dọa. Đây là các câu mà chúng ta thường nói: Không được làm bỏ xuống ngay, không được phá, con hư quá đi, không được hỏi nữa..

Chúng ta chỉ can ngăn mà không hề giải thích, vì thế mà vô tình kiềm chế suy nghĩ độc lập và loai bỏ nhu cầu tìm hiểu cũng như nhu cầu đưa ra sáng kiến của trẻ.

Trong nhà trường, trẻ sẽ được học một gương mẫu và phải làm theo rặp khuôn, phải nói, phải ăn, phải làm như cô dạy thay vì hãy để trẻ tự suy nghĩ lấy.

Với những kiềm nén này, dần dần cặp mắt tò mò ham hiểu biết của trẻ bắt đầu ít được chú ý, và tính độc đáo cá nhân không được hoan nghênh, gặp điều gì lạ trẻ sẽ ít hỏi hơn và thậm chí khi vô tình có một cú sốc lớn trong việc tò mò hay hỏi mọi việc xung quanh trẻ sẽ không bao giờ hỏi nữa.

Lớn lên, va vào cuộc sống, chạm đến rào cản xã hội, rồi sếp, rồi đồng nghiệp, càng làm cho việc hỏi hay tư duy những điều mới càng bị hạn chế. Chỉ cần bạn làm khác người là mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về phía bạn, bạn sẽ bị ném đá, bảo sao kỳ quặc, sao điên khùng, tồi tệ hơn bạn có thể bị cô lập. Thử hỏi có bao nhiêu người có thể làm tiếp tục sau sự cố này.

Khi bạn hỏi người nào đó về những việc mà anh Google không trả lời thấu đáo, họ có thể trả lời không tận tình, không trả lời hoặc giả lơ. Gặp những trường hợp này vì tự ái nên ít khi bạn can đảm hỏi nữa.

Tuy nhiên, có lẻ rào cản chính mà bạn đối mặt thuộc về những ngăn cản từ chính bạn, chẳng hạn như sự thiếu tự tin, lo sợ, ngại thay đổi.

Tê liệt hay bóp chết suy nghĩ là câu trả lời cho câu hỏi tại sao bạn không sáng tạo.

Và bạn vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của việc kiềm nén sáng tạo từ lúc là con trẻ đến lúc trưởng thành.

Làm thế nào để đốt lên ngọn lửa sáng tạo

Mọi thứ trên cõi đời này bắt đầu từ một suy nghĩ, khi suy nghĩ về một vấn đề mà bạn chỉ mới biết chứ chưa hiểu, bạn sẽ đặt hàng loạt các câu hỏi tại sao và đương nhiên bạn phải tìm hiểu và trả lời.

Điều lý thú là khi bạn quan tâm đến một vấn đề nào đó, tự động các nguồn thông tin sẽ tự tìm đến với bạn, đó là luật hấp dẫn và như thế bạn đã bắt trí óc suy nghĩ thay vì cho nó ngủ yên.

Đặt câu hỏi, chính là thức ăn cho trí óc, bạn càng hỏi và liên tục suy nghĩ để tìm ra câu trả lời cũng là lúc bạn khám phá ra những khác biệt mà trước nay bạn nghĩ rằng bạn không thể.

Một lúc nào đó bạn sẽ à ra một tiếng, đó là phần thưởng cho những suy nghĩ về một vấn đề bao lâu nay bạn đã bắt trí óc phải tìm.

Sáng tạo là thích thú với trãi nghiệm ngạc nhiên khi vừa khám phá ra một điều đặc biệt, một cảm giác tự hào, vui mừng cho những điều mới mẻ.

Đảo ngược là một trong những thủ thuật sáng tạo của môn học phương pháp luận sáng tạo (Triz), bạn hãy thử vận dụng nguyên tắc này trong cuộc sống hàng ngày. Hãy bỏ đi tính tự ái và hãy kiên nhẫn hỏi cho đến khi nào bạn nhận được câu trả lời mong muốn. Hãy mĩm cười và tiếp tục những gì bạn theo đuổi nếu bạn tin rằng mình đúng, mặc cho ai đó chê trách, cô lập.

Và cuối cùng nếu bạn là hậu quả của kiềm nén sáng tạo bao lâu nay thì đừng bao giờ làm đều này với người khác, hãy bên cạnh cổ vũ và thấu hiểu họ.

Thái Phương

Xem thêm

Các bài viết về  sáng tạo

Khóa học sáng tạo